- Nhu cầu của thị trường yêu cầu nghề này hiện nay?
Khi nói đến sự phát triển của Việt Nam trong những năm gần đây không thể không đề cập đến sự đóng góp của ngành Xây dựng. Điều này thể hiện qua việc tăng trưởng bình quân của ngành Xây dựng trong những năm gần đây luôn đạt trên 12%. Một trong những lý do mà ngành Xây dựng luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đó là bất cứ ngành nào cũng cần có cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống, văn phòng, nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, nhà ở, bệnh viện, trường học, khách sạn, khu công nghiệp …) để phát triển. Bên cạnh nhu cầu xây dựng mới thì nhu cầu sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình hiện hữu để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế cũng rất lớn. Chúng ta dễ dàng bắt gặp thấy các công trình xây mới cũng như các công trình cải tạo ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung.
Theo quy hoạch của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước cần lượng nhân lực hoạt động trong ngành Xây dựng khoảng 9 triệu. Tuy nhiên, hiện nay số lượng cơ sở đào tạo ngành Xây dựng trên cả nước là 45 trường đại học và cao đẳng. Riêng tại TP. HCM, có khoảng 11 trường đại học và 4 trường cao đẳng có đào tạo nhân lực ngành Xây dựng với tổng chỉ tiêu trên dưới 3.000 sinh viên. Điều này cho thấy nhu cầu của nhân lực ngành Xây dựng của thị trường lao động còn rất lớn. Đặc biệt là nhu cầu nhân lực ngành Quản lý Xây dựng, một ngành học đặc thù của nhóm ngành Xây dựng. Khác với ngành Kỹ thuật Xây dựng đã được đào tạo từ rất lâu ở nước ta, ngành Quản lý Xây dựng là một ngành còn rất mới cả trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, ngành học này đáp ứng được nhu cầu thực tế khi cung cấp cho thị trường những kỹ sư được trang bị không những kiến thức Kỹ thuật Xây dựng mà còn những kiến thức về kinh tế, tài chính, và quản lý.
Bên cạnh đó, cần phải nhấn mạnh nhu cầu nhân lực ngành Quản lý Xây dựng có khả năng ngoại ngữ cao do sự hội nhập của Việt Nam và quy mô đầu tư ngày càng lớn của các công ty nước ngoài vào Việt Nam qua nhiều hình thức đầu tư khác nhau.
- Xu hướng nghề này trong tương lai như thế nào?
Một thực trạng đang diễn ra trong ngành Xây dựng mà chúng ta cần chú ý đó chính là sự thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, đây là một hạn chế dẫn tới ngành Xây dựng nước ta chưa phát triển đúng với tốc độ cần có. Số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp nghề trong toàn ngành Xây dựng nói chung chỉ chiếm 11,8%, số thợ bậc cao (công nhân bậc 6/7 và 7/7) chiếm khoảng 7% nhân lực ngành. Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, ngành Quản lý Xây dựng chỉ mới được đào tạo ở Việt Nam khoảng 10 năm gần đây với số lượng tương đối ít. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án, hiệu quả sử dụng nguồn lực (con người, tiền bạc, máy móc thiết bị, …), đem lại lợi ích cho xã hội, và lợi nhuận cho doanh nghiệp thì không thể thiếu các kiến thức về quản lý. Hơn nữa, với tốc độ phát triển như hiện nay trong khoảng 50 năm tới, nhu cầu xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản vẫn đang cấp thiết đối với một đất nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, quản lý trong lĩnh vực xây dựng trong tương lai rất có triển vọng dành cho những người có chuyên môn, trình độ cao, khả năng điều hành tốt và nhạy bén với thị trường.
- Yêu cầu người học nghề này cần có những tố chất nào?
Ngoài việc sở hữu kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thì các bạn lựa chọn học nghề này cần có một số tố chất và kỹ năng sau:
- Kỹ năng làm việc nhóm;
- Kỹ năng phân tích, đánh giá, và giải quyết vấn đề;
- Kỹ năng giao tiếp;
- Nhanh nhẹn;
- Cẩn thận.
Toàn bộ các kỹ năng này sẽ được đào tạo trong quá trình học tập chuyên ngành Quản lý Xây dựng.
- Lộ trình các bước học nghề này như thế nào?
Để trở thành Kỹ sư Quản lý Xây dựng, điều dĩ nhiên là các bạn phải theo học ngành Quản lý Xây dựng được đào tạo ở các trường Đại học. Các bạn có thể lựa chọn đăng ký thi tuyển vào các trường có đào tạo ngành Quản lý Xây dựng mà mình thấy phù hợp. Mỗi trường đại học sẽ có các phương thức tuyển sinh khác nhau.
Riêng trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP. HCM có đến 6 phương thức tuyển sinh:
- Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021
- Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP. HCM.
- Phương thức 3: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2021 của Bộ GD&ĐT.
- Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá Năng lực của Đại học Quốc tế được tổ chức vào hai ngày 29 – 30/5/2021.
- Phương thức 5: Xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài.
- Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Đánh giá Năng lực của ĐHQG TPHCM (đợt 1 là ngày 28/3/2021 và đợt 2 dự kiến là 1 tuần sau khi các bạn thi THPT Quốc gia).
Sau khi trúng tuyển và nhập học, sinh viên sẽ được học các môn theo chương trình đào tạo được thiết kế trong 4 năm. Cụ thể, trong năm đầu tiên, sinh viên sẽ được học nhiều kiến thức về toán và khoa học tự nhiên như vật lý, tư duy phân tích. Sau đó, các bạn sẽ được trang bị các kiến thức tổng quát về Kỹ thuật Xây dựng, các kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành của ngành Quản lý Xây dựng. Đặc biệt, chương trình đào tạo Kỹ sư Quản lý Xây dựng tại trường Đại học Quốc tế được thiết kế theo hướng kết hợp với các kiến thức Quản trị kinh doanh để tạo điều kiện cho các sinh viên có nguyện vọng học thêm chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh tại trường.
Ngoài ra, trong quá trình học tập, sinh viên còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ… nhằm phát triển một cách toàn diện.
Vào khoảng hè năm thứ 3, sinh viên sẽ được giới thiệu đi thực tập ở các doanh nghiệp Xây dựng để tạo điều kiện cọ xát với thực tế và tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Sau khi kết thúc quá trình thực tập, sinh viên tiếp tục quay lại trường để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp để hoàn tất yêu cầu đào tạo và nhận bằng Kỹ sư Quản lý Xây dựng.
- Giới thiệu nơi học nghề phù hợp?
Hiện có nhiều trường đào tạo ngành Quản lý Xây dựng, bạn có thể tìm kiếm danh sách các trường có đào tạo ngành này thông qua mạng Internet hoặc trong Cẩm nang tuyển sinh.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng chưa có trường nào đào tạo ngành Quản lý Xây dựng hoàn toàn bằng tiếng Anh như được tổ chức ở Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM. Trường Đại học Quốc tế là trường Đại học công lập đầu tiên trong cả nước đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh và là trường có rất nhiều ngành đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA của châu Á và ABET của Mỹ. Bộ môn Kỹ thuật Xây dựng thuộc trường Đại học Quốc tế, đơn vị phụ trách đào tạo ngành Quản lý Xây dựng cũng là một trong những đơn vị đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Để đạt được chuẩn kiểm định quốc tế, chương trình đào tạo ngành Quản lý Xây dựng được xây dựng dựa trên việc tham khảo chương trình đào tạo ngành Quản lý Xây dựng của các nước tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Úc, Anh, …
Bên cạnh chương trình đào tạo, khi theo học tại trường Đại học Quốc tế, sinh viên được các giảng viên tốt nghiệp từ các nước tiên tiến trực tiếp giảng dạy với các phương pháp hiện đại, hệ thống phòng thí nghiệm chất lượng cao, cơ sở vật chất khang trang hiện đại. Ở trường Đại học Quốc tế, sinh viên được cung cấp một dịch vụ học tập có chất lượng rất tốt nhằm đáp ứng được tối đa nhu cầu và giúp người học phát triển toàn diện về chuyên môn, ngành nghề cũng như các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống.
- Những kiến thức nào nên được ưu tiên khi học nghề này?
Để đạt được hiệu quả cao nhất khi theo học ngành Quản lý Xây dựng, các bạn cần chú trọng các kiến thức cơ sở như: toán học, vật lý. Tuy nhiên, vì ngành học thiên về quản lý, nên các kiến thức cơ sở này không chuyên sâu như các ngành kỹ thuật. Tiếp theo các bạn nên nắm vững các kiến thức cơ bản liên quan đến Kỹ thuật Xây dựng (kết cấu bê tông, kết cấu thép, nền móng). Từ các kiến thức cơ bản này, các bạn có thể dễ dàng tiếp thu các kiến thức nền tảng và chuyên sâu liên quan đến quản lý.
Song song với việc học chuyên môn, sinh viên cần trang bị thêm ngoại ngữ vì đây có thể coi là chìa khóa để các bạn có thể vào làm việc tại các tập đoàn công nghệ xuyên quốc gia hay làm việc tại các quốc gia phát triển.
Thêm vào đó, sinh viên cần rèn luyện thêm các kiến thức về xã hội, các kỹ năng mềm và biết cách hợp tác để làm việc nhóm. Để có thể phát triển hơn nữa cho nghề nghiệp của bản thân, sinh viên cần có kỹ năng về tư duy sáng tạo, kỹ năng về phân tích và tổng hợp vấn đề, kỹ năng về giải quyết công việc cũng như là tổ chức và quản lý công việc.
- Khó khăn khi học nghề và làm nghề là gì?
Khi học bất cứ điều gì, chúng ta cần phải học với một thái độ chăm chỉ, cần cù; quyết tâm, chủ động và sáng tạo khi học. Luôn tự đặt ra các câu hỏi như: Tại sao? Như thế nào?…
Vậy nên, khi học ngành Quản lý Xây dựng bạn có thể sẽ phải đối mặt với các khó khăn thường gặp như sau:
- Đó là sự thay đổi môi trường và cách học tập từ phổ thông lên đại học. Khi lên đại học, người sinh viên cần chủ động học, cần tư duy sáng tạo khi áp dụng các kiến thức của toán để giải các bài toán kỹ thuật; sinh viên Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc tự đọc sách tham khảo để giải quyết các bài toán được giao hoặc để tìm hiểu thêm ngoài kiến thức đã học trên giảng đường. Nói cách khác, sinh viên cần phải biết cách học đại học.
- Đó là thiếu kỹ năng học. Các bạn cần chuẩn bị và rèn luyện các kỹ năng ghi chép, sắp xếp thời gian học hành, giải trí hợp lý, cùng với một thái độ học tập tích cực, chủ động.
- Đó là thiếu kinh nghiệm làm việc nhóm.
- Đó là thiếu các kỹ năng mềm trong cuộc sống.
- Đó là thiếu kinh nghiệm thực tế. Nếu chỉ có học kiến thức, lý thuyết ở trường là chưa đủ. Sinh viên cần phải tham gia thực hành, thực tập ở các công ty, nhà máy để thu thập kinh nghiệm.
- Đó là bản lĩnh trước những thử thách mới, công việc mới, thậm chí là công việc đòi hỏi phải kiến thức mới…
Tương tự như các ngành khác, ngành Quản lý Xây dựng thay đổi từng giờ, từng phút cùng với tốc độ phát triển của thế giới. Người làm nghề phải luôn trau đồi, tiếp cận các kiến thức mới và trang bị cho mình một kỹ năng tự học và thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Do đó, trong quá trình học tập đại học, các bạn sẽ được hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để nuôi dưỡng đam mê và tự học tập suốt đời.
- Mới học nghề ra thì làm gì? ở đâu?
Với ngành Quản lý Xây dựng, sinh viên sẽ được trang bị hệ thống kiến thức để sau khi ra trường có thể đảm đương các vị trí công việc sau đây:
- Công ty tư vấn xây dựng: nhân viên phòng Kinh doanh, nhân viên phòng Quản lý dự án, nhân viên phòng Đấu thầu, nhân viên lập dự án và thẩm định dự án, …;
- Công ty thi công (nhà thầu): Nhân viên phòng Kinh doanh, nhân viên phòng Đấu thầu, nhân viên Phòng QS,…;
- Nhân viên phòng Vật tư, nhân viên phòng Đảm bảo chất lượng (QA), nhân viên phòng Kiểm soát chất lượng (QC), nhân viên theo dõi khối lượng công trường…;
- Ban Quản lý dự án các Quận/Huyện: nhân viên tất cả các bộ phận trong Ban;
- Nhân viên phụ trách công tác thanh quyết toán trong Phòng Kế Hoạch – Tài Chính Quận, Kho bạc Quận, Sở Tài Chính, Sở Kế Hoạch – Đầu Tư,…;
- Nhân viên tại các Phòng Đầu Tư, Phòng Dự án của các chủ đầu tư bất động sản;
- Các doanh nghiệp sản xuất VLXD: Nhân viên Phòng kinh doanh, Phòng marketing;
- Nhân viên thẩm định dự án tại các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm và các tổ chức cho vay đầu tư;
- Cán bộ quản lý xây dựng ở các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan quản lý xây dựng và quản lý đô thị ở UBND các cấp: tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, các thành phố, các quận, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh, các phường và thị trấn;
- Nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu về kinh tế và quản lý đô thị;
- Thực hiện công tác giảng dạy tại các trường Đại học – Cao đẳng có chuyên ngành liên quan.
- Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội học tập nâng cao lên các bậc cao học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các trường Đại học trong và ngoài nước.
- Mất bao lâu để lên mức chuyên gia trong nghề này?
Sau khi tốt nghiệp, các bạn mất một khoảng thời gian từ 1-2 năm để làm quen với công việc và thực hiện các công việc được phân công dưới sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
Trung bình từ 3 – 5 năm sau, các bạn có thể làm việc độc lập hơn, kèm cặp các bạn mới và có thể quản lý team từ 3 – 5 bạn tùy theo khả năng của mình. Sau đó, sẽ là khoảng thời gian trung bình 5 năm nữa để các bạn có thể trở thành một người nhà lãnh đạo trung và cao cấp tại công ty của mình.
Nếu mong muốn trở thành một chuyên gia Quản lý Xây dựng, bạn cũng có thể theo đuổi con đường học tập lên các bậc cao hơn như thạc sĩ và tiến sĩ với tổng thời gian ngắn nhất khoảng 4 năm. Khi tốt nghiệp các bạn sẽ trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực hẹp trong ngành. Sau đó, công việc giảng dạy và làm các đề tài thực tiễn sẽ cọ xát và làm cho các bạn vững vàng hơn, có tầm nhìn bao quát hơn trong ngành.
- Điều gì cần thiết để thành công trong nghề này?
Nói về bức tranh tổng thể, để thành công trong bất kỳ việc nào thì điều kiện cần là niềm đam mê trong công việc, tiếp đến là khả năng tự đào tạo và các kỹ năng mềm khác sẽ quyết định sự thành công trong nghề. Dù công nghệ thay đổi theo từng giây nhưng công nghệ sẽ không đổi mới hoàn toàn mà xây dựng từ các nền tảng công nghệ và có một vòng đời nhất định. Khi các bạn nắm bắt được công nghệ và có khả năng thích ứng nhanh với cái mới, cơ hội thành công sẽ luôn ở bên cạnh.
Để thành công trong nghề Quản lý Xây dựng này cũng vậy, các bạn nhất định cần có đam mê nghề nghiệp, cầu tiến, tích cực rèn luyện nâng cao giá trị bản thân để đáp ứng yêu cầu ngành càng khắc khe của thị trường lao động – đây là điều cần thiết để thành công trong lĩnh vực này.
- Lương của người mới ra nghề khoảng bao nhiêu?
Cần nói thêm, ngành Quản lý Xây dựng là ngành công nghiệp hiện đại với rất nhiều tập đoàn xây dựng nước ngoài đang đầu tư các dự án tại Việt Nam. Do đó, mức lương khởi điểm của kỹ sư mới ra trường cũng sẽ tùy thuộc khả năng và loại hình công ty với mức độ giao động từ 10 – 20 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập sẽ tăng với nền tảng kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc.
- Lên mức chuyên gia thì lương được bao nhiêu?
Khi một kỹ sư làm có kinh nghiệm nhiều và khả năng cao sẽ được xem như chuyên gia về lĩnh vực và được giao những công việc với yêu cầu cao về chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn xử lý vấn đề.
Hiện nay mức thu nhập của chuyên gia rất cao và tùy thuộc công ty và công việc cụ thể. Thông thường các công ty, tập đoàn lớn trả lương chuyên gia từ 50-60 triệu đồng/tháng trở lên. Ngoài ra, chuyên gia thường có các mức thưởng rất cao dựa vào thành tích và hiệu quả trong các dự án mà họ đang làm việc.
- Cơ hội kiếm tiền của nghề này đến từ những nguồn nào?
Cơ hội kiếm tiền của nghề này đến từ nhiều nguồn khác nhau như:
- Từ tiền lương khi làm cho các công ty;
- Từ các khoản khen thưởng khi hoàn thành tốt công việc;
- Từ những công việc làm thêm bên ngoài trong thời gian rảnh rỗi;
- Từ việc hợp tác nghiên cứu phát triển các phần mềm quản lý dự án;
- Từ việc tư vấn cho các công ty;
- Từ việc mở các công ty sản xuất kinh doanh…